Sau hành trình dài trải nghiệm khám phá, chúng tôi mới hiểu vì sao Mitsubishi Motors Việt Nam lại tự tin vào quyết tâm giành chiến thắng khi tung Mitsubishi Outlander mới vào thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt.
Khởi đầu trang sử mới
Ngày 06/08/2016, tại trường đua HappyLand ở Long An, Mitsubishi Motors Việt Nam chính thức giới thiệu đến khách hàng trong nước mẫu xe crossover Mitsubishi Outlander hoàn toàn mới. Đặc biệt là sự có mặt của tay đua Mitsubishi huyền thoại Hiroshi Masuoka 2 lần vô địch Dakar Rally và những cơ hội lái thử, trải nghiệm thực tế mẫu xe này cả trên điều kiện thử on-road và off-road ở trường đua HappyLand.
Có thể nói Mitsubishi Outlander là mẫu xe mở ra một trang sử mới cho cả Mitsubishi toàn cầu và Việt Nam. Ở phạm vi toàn cầu, Mitsubishi Outlander trở thành mẫu xe đầu tiên áp dụng ngôn ngữ thiết kế mới Dynamic Shield độc đáo và hiện đại, tinh tế. Ở trong nước, Mitsubishi Outlander được xem là màn khởi đầu ấn tượng của Mitsubishi sau bước ngoặt đổi tên từ Vina Star Motors thành Mitsubishi Motors Việt Nam (MMV) và tăng tỉ lệ góp vốn lên 82%, khẳng định cam kết phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam.
Ở góc độ khác, chúng tôi lại nhìn nhận Mitsubishi Outlander mới như một “vũ khí” thực thụ, tiềm lực mạnh để Mitsubishi có thể cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ, nhất là 3 mẫu crossover đang bán tốt trên thị trường gồm Hyundai Santa Fe, Honda CR-V và Mazda CX-5. Trong đó Santa Fe có bản cấu hình 5+2, còn CR-V và CX-5 chỉ có 5 chỗ và kích cỡ nhỏ hơn Outlander một chút.
Là mẫu crossover duy nhất được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản với những tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm và an toàn, hơn thế nữa Mitsubishi Outlander ngay ban đầu đã tỏ ra có lợi thế về giá cạnh tranh, đều khởi điểm thấp hơn 3 mẫu xe đối thủ. Mitsubishi cho phép khách hàng 3 lựa chọn theo mức giá tăng dần: 975 triệu đồng (2.0 STD, 5 chỗ); 1,123 tỉ đồng (2.0 CVT, 5 chỗ) và 1,275 tỉ đồng (2.4 CVT, 5+2 chỗ). Trong khi đó Santa Fe 5+2 có giá từ 1,1 tỉ đồng và bản cao nhất giá 1,275 tỉ đồng. Honda CR-V có giá từ 1,008 tỉ đồng và Mazda CX-5 có giá từ 999 triệu đồng. Các mẫu xe này đều có dung tích động cơ trong khoảng từ 2.0 đến 2.5L.
Ngay tại buổi ra mắt ở trường đua HappyLand, nhóm phóng viên đã có những trải nghiệm ban đầu với Mitsubishi Outlander mới, cả trong điều kiện thử on-road và off-road. Các bài thử ở đây cho phép cảm nhận được phần nào khả năng tăng tốc, độ ổn định khi vào cua, sự linh hoạt qua bài chạy zig-zag hay thực sự ấn tượng với bài thử địa hình khó. Hệ thống kiểm soát tất cả các bánh xe AWC (All Wheels Control), mà bản chất là hệ dẫn động 4 bánh thông minh, là một trang bị đáng giá, cho phép dễ dàng lái xe qua các mặt đường trơn trượt, bùn lầy có độ bám kém.
Để thấu hiểu chi tiết hơn nữa, chúng tôi tiếp tục thực hiện bài lái thử xe đường dài chuyên sâu, với hành trình đi về khoảng 700km từ TP.Hồ Chí Minh đến vùng đất ven biển ở Ninh Thuận, trải nghiệm Mitsubishi Outlander trong điều kiện giao thông thực tế, từ vận hành ở đô thị, trên cao tốc, quốc lộ, đường đèo dốc, băng qua những ngọn đồi, những con đường mòn đất đỏ gập ghềnh hay xuyên những cánh rừng bát ngát. Đi với phong thái tự do khoáng đạt để khám phá những con đường mới theo đúng tinh thần của Mitsubishi Outlander: tận hưởng hành trình trải nghiệm khai phá các miền đất mới! Chiếc xe lái thử là phiên bản cao cấp nhất: Mitsubishi Outlander 2.4 CVT AWC với cấu hình chỗ ngồi 5+2 linh hoạt.
Mitsubishi đang tự hào về một ngôn ngữ thiết kế mới, gọi là Dynamic Shield (tấm khiên năng động), mà Outlander là mẫu xe sản xuất đầu tiên được áp dụng. Đây là một thiết kế sáng tạo, cầu kỳ và độc đáo, tạo nên nét nhận diện đặc trưng cho các dòng xe Mitsubishi từ nay về sau. Điểm nhấn của Dynamic Shield tập trung vào phần đầu xe, với hai đường chủ đạo uốn lượn đa góc tạo nên vẻ năng động, dũng mãnh hiên ngang cho chiếc xe. Đường chủ đạo này còn được mạ crôm sang trọng, tinh tế.
Phải thừa nhận rằng Mitsubishi Outlander là một chiếc Mitsubishi thực sự đẹp! Ngoại hình xe toát lên vẻ đẹp cuốn hút của sự cân xứng, đạo mạo và thanh nhã. Đẹp từ đầu đến đuôi, từ tổng thể đến chi tiết. Hai bên thân xe, sự cứng cáp đến từ đường gân nối liền mạch đèn pha trước với đèn hậu, đồng thời thiết kế bộ mâm hợp kim 18-inch đa chấu kiểu cách cũng tôn thêm vẻ sống động cho Mitsubishi Outlander. Với khách hàng Việt Nam, thiết kế ngoại hình xe có vai trò đáng kể trong quyết định chọn mua xe của họ. Người chọn Mitsubishi Outlander ít nhiều cũng cảm mến với phong thái chỉnh chu, thanh tao, đĩnh đạc. Họ đòi hỏi cao về sự hoàn mỹ. Với cá nhân người viết, Mitsubishi Outlander là chiếc xe thứ hai của Mitsubishi có thiết kế thực sự ấn tượng, gây nhiều cảm xúc, sau chiếc Grandis nổi đình nổi đám một thời, mà thậm chí nay vẫn còn đẹp chán!
Nội thất sang trọng tinh tế, đa dụng
Khi mở các cánh cửa xe, không gian nội thất của Outlander toát ngay lên một vẻ ấm cúng thân thiện nhờ chọn tông màu beige chủ đạo trên các ghế ngồi, ốp cửa và vùng dưới của bảng táp-lô. Trong khi vùng trên cao gồm trần xe và các trụ có màu sáng hơn. Phong cách thiết kế nội thất có thể thấy là sự sang trọng, gọn gàng, đơn giản. Vật liệu sử dụng trang trí nội thất cũng như độ hoàn thiện chi tiết là không thể chê trách. Nhờ trang bị cửa sổ trời chỉnh điện trên hàng ghế trước, nội thất Outlander rộng rãi còn thêm thông thoáng hơn nữa.
Một thiết kế ăn điểm cho Mitsubishi Outlander phiên bản 5+2 so với các đối thủ chính là cách bố trí ghế ngồi linh hoạt, tối đa hoá không gian và tiện ích. Việc bổ sung hàng ghế thứ ba với 2 ghế ngồi độc lập khiến xe có thể giải quyết được bài toán chở tới 7 người trong nhiều tình huống thiết yếu, ví dụ như một gia đình 3 thế hệ có 6 hoặc 7 thành viên cùng đi nghỉ cuối tuần. Rõ ràng đây là nhiệm vụ bất khả thi với Honda CR-V hay Mazda CX-5. Hàng ghế thứ hai của Outlander phân chia độc lập 40-60 có thể dịch chuyển trước-sau với biên độ 25cm cho phép dễ dàng vào hàng ghế thứ 3 cũng như tạo khoảng để chân dễ chịu hơn. Lúc cần thiết, các ghế có thể gập phẳng từng phần hay toàn bộ, tạo nên không gian chở đồ đạc vô cùng hữu ích. Ngoài ra, cửa sau đóng mở bằng điện có chức năng chống kẹt và người sử dụng cũng có thể đóng mở cửa bằng chìa khoá để điều khiển từ xa cũng là tiện ích nổi bật.
Vận hành hiệu quả, lướt êm nhẹ khác thường
Trải qua cả chặng đường dài, gắn bó với chiếc xe như chủ nhân đích thực mới thấu hiểu Mitsubishi Outlander đem lại cảm giác lái khác biệt, có thể mô tả một cách là cực kỳ nhàn nhã, mà phần lớn chính là do đặc tính vận hành của hộp số tự động vô cấp CVT INVECS III thế hệ mới. Chân ga của xe cũng nhẹ nhàng và chuẩn.
Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao nhà sản xuất không sử dụng loại hộp số tự động 6 hoặc 7 cấp mà dùng hộp số vô cấp CVT?! Công bằng mà nói, với động cơ công suất vừa và nhỏ, vận hành kiểu tiện nghi êm ái, hộp số CVT với công nghệ tiên tiến hoạt động tối ưu hơn so với loại hộp số tự động 5-6 cấp thông thường. Hộp số CVT cũng cải thiện mức tiêu hao nhiên liệu. Sự êm ái trong dải tốc độ hiệu quả với hộp số CVT INVECS III trên Outlander thậm chí có thể so sánh ngang ngửa với loại hộp số tự động 7 cấp trên một vài mẫu xe cao cấp. Ngoài ra, Mitsubishi cũng tích hợp chức năng sang số tay “ảo” cho hộp số CVT của Outlander thông qua lẫy số “+/-” trên vô-lăng, dành cho những người thích trải nghiệm lái kiểu thể thao chủ động.
Điểm khác biệt mà người lái có thể nhận thấy với hộp số CVT của Outlander là động cơ “rớt” vòng tua ngay khi buông chân ga, chuyển ngay về tua thấp hơn, xe chạy theo trớn. Kiểu “rớt” vòng tua này nhằm đưa động cơ vận hành ở dải tua thấp và lý giải một phần vì sao nó giúp tiết kiệm nhiên liệu. Chạy đều trên cao tốc, duy trì ở tốc độ 80km/h thì vòng tua động cơ ở 1.600v/ph và con số này chỉ ở ngưỡng 2.200v/ph với tốc độ 120km/h.
Ưu điểm vận hành êm ái là vậy, nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Điểm hạn chế của hộp số CVT bộc lộ khi xe chạy tốc độ cao. Ở vận tốc khoảng 150km/h, hộp số bắt đầu có hiện tượng hơi giật nhẹ do các puli và dây đai trong hộp số dễ bị trượt độ bám. Thực tế, hạn chế này là yếu điểm chung của loại hộp số CVT chứ không riêng gì với hộp số CVT của Outlander. Nhưng nếu xét ra, việc lái xe ở Việt Nam hầu hết chỉ trong dải tốc độ từ 120km/h trở xuống, hộp số CVT là tối ưu hơn. Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình trên hành trình dài mà chúng tôi đo đạc được vào khoảng 8 lít/100km, một con số khá hài lòng với động cơ dung tích 2.4L.
Việc lái nhẹ nhàng cũng nhờ vô-lăng của Mitsubishi Outlander là loại trợ lực điện cảm biến tốc độ. Chạy ở tốc độ chậm, vô-lăng nhẹ và lái rất dễ chịu. Khi tốc độ xe càng lên cao, lực siết vô-lăng càng tăng và người lái cảm nhận rõ hơn độ tăng về sự đầm chắc. Mitsubishi Outlander có khả năng cân bằng ổn định vào cua tốt. Các hệ thống an toàn chủ động đầy đủ gồm chống bó cứng phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ phanh khẩn cấp BA, hệ thống cân bằng điện tử ASC. Bên cạnh đó còn có hỗ trợ khởi hành ngang dốc HSA. Trang bị an toàn chuẩn mực với 7 túi khí.
Động cơ của Mitsubishi Outlander 5+2 là loại 4 xi-lanh thẳng hàng dung tích 2.360cc, đạt công suất 167PS tại 6.000v/ph và mô-men xoắn cực đại 222Nm tại 4.100v/ph. Trọng lượng không tải 1.530kg.
Ở đây chúng tôi muốn đưa ra môt phép so sánh nhỏ với đối thủ đến từ Hyundai là Santa Fe phiên bản cạnh tranh (máy xăng 2.4, dẫn động 2 cầu, tự trọng 1.863kg). Động cơ của Santa Fe là I4 2.359cc, công suất 176PS tại 6.000v/ph và mô-men xoắn cực đại 225Nm tại 3.750v/ph.
Như vậy có thể thấy rằng, động cơ của Hyundai nhỉnh hơn một chút về công suất và lực kéo, tuy nhiên Santa Fe lại nặng hơn đáng kể so với Mitsubishi Outlander (nặng hơn tới 333kg). Xét tỉ số trọng lượng/công suất của Mitsubishi Outlander là 1PS/9,16kg, trong khi của Santa Fe là 1PS/10,58kg. Do đó, cũng dễ hiểu việc Mitsubishi Outlander có khả năng tăng tốc tốt và vận hành linh hoạt nhẹ nhàng hơn so với Santa Fe. Đáng chú ý, Mitsubishi Outlander tiết kiệm nhiên liệu hơn với mức trung bình 8,1 lít/100km, trong khi của Santa Fe bản 2.4L 4WD là 11,6 lít /100km (con số của cục đăng kiểm Việt Nam).
Các tham số kích thước của 2 mẫu xe này khá tương đồng nhau. Mitsubishi Outlander có (DxRxC) là (4.695 x 1.810 x 1.680)mm và trục cơ sở 2.670mm thì của Santa Fe là (4.690 x 1.880 x 1.680) và trục cơ sở 2.700mm.
Hệ thống kiểm soát toàn bộ các bánh xe AWC của Mitsubishi Outlander cho thấy sự hiệu quả và giá trị thiết thực, tối ưu độ bám đường, an toàn hơn cho các hành khách
Trong buổi ra mắt tại HappyLand, chúng tôi đã trải nghiệm phấn khích với Mitsubishi Outlander trong bài thử off-road với sa hình đa dạng, dốc cao, gồ ghề, mấp mô, sỏi đá, đường bùn trơn trượt. Hệ thống dẫn động 4 bánh kiểm soát toàn bộ các bánh xe AWC của Outlander cho thấy sự hiệu quả và giá trị thiết thực mang lại. Mitsubishi Outlander không phải là chiếc xe dành chuyên đi offroad nhưng sự đa năng, dẫn động 4 bánh đảm bảo đặc tính vận hành tối ưu độ bám đường, an toàn hơn cho các hành khách. Trong một vài trường hợp cần vượt địa hình khó thì AWC thực sự đáng giá.
Nhờ nút điều khiển chế độ AWC bố trí ngay dưới cần số, người lái dễ dàng chọn một trong 3 chế độ truyền động của AWC: Chế độ “4WD ECO” chỉ truyền động cầu trước trong điều kiện thông thường nhưng khi bánh xe bị trượt, hệ thống sẽ tự động chuyển sang truyền động 2 cầu, thích hợp để di chuyển trong thành phố hay trên quốc lộ. Chế độ “4WD AUTO” truyền động tất cả các bánh xe toàn thời gian, phù hợp khi di chuyển tốc độ cao trên đường cao tốc hoặc di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu. Chế độ 4WD LOCK truyền động 2 cầu cùng khóa vi sai trung tâm, dùng khi di chuyển trên địa hình xấu (Off-road) hay cực kỳ trơn trượt.
Đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao cho khách hàng, Mitsubishi trang bị cho Outlander đầy đủ tiện nghi hiện đại như camera lùi, hệ thống cảm biến đèn pha và gạt mưa giúp tự động bật/tắt đèn chiếu sáng và điều chỉnh tốc độ gạt mưa tùy theo lưu lượng mưa ngoài trời. Chìa khoá thông minh KOS có thể mở cửa xe mà không cần chạm vào chìa khóa. Chức năng khởi động bằng nút bấm OSS (One-touch Starting System) cho phép việc khởi động/tắt máy có thể được thực hiện chỉ bằng một thao tác bấm.
Mitsubishi Outlander được trang bị hệ thống điều hòa tự động 2 vùng độc lập có thể điều chỉnh độ lạnh từng bên riêng biệt, ví dụ bên tài xế chỉnh ở mức 25 độ C trong khi bên hành khách trước ở mức 23 độ C. Dàn lạnh hiệu quả, độ lạnh nhanh và sâu vốn là ưu điểm của Mitsubishi. Bên cạnh đó, Outlander còn được bố trí đường ống thổi gió hợp lý, giúp cho nhiệt độ môi trường chung trong xe được làm lạnh khá nhanh, mang lại sự thoải mái cho hành khách hàng ghế thứ hai và thứ ba.
Nhu cầu giải trí trong xe đáp ứng với đầu đĩa CD/Radio/USD và màn hình cảm ứng, dàn âm thanh 6 loa có chất lượng trình diễn khá tốt, có thể chọn chế độ trình diễn phù hợp với nhiều kiểu nhạc khác nhau. Trên vô-lăng cũng tích hợp các nút điều khiển hệ thống giải trí này.
Xét trên mọi phương diện, từ thiết kế hiện đại, hoàn mỹ, nội thất sang trọng tinh tế, rộng rãi đa dụng, có thể chở tới 7 người cần thiết, tới khả năng vận hành êm ái vượt trội, tiết kiệm nhiên liệu, đặc tính an toàn cao với đẳng cấp xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu, Mitsubishi Outlander thực sự là một ngôi sao mới trong phân khúc crossover đa dụng ở Việt Nam.